nghệ thuật bài trí của người Nhật

Nghệ thuật bài trí của người Nhật

Nhà cửa bạn luôn bừa bộn? Sách vở, đồ dùng cá nhân, quần áo, mọi thứ ngổn ngang ở khắp nơi? Bạn nhận thức được điều đó và nỗ lực dọn dẹp mỗi tuần một lần, hay thậm chí cứ cách ngày là có một cuộc tổng vệ sinh, nhưng tình trạng này cứ lại đâu vào đó? Nếu bạn trả lời “có” cho các câu hỏi trên, thì đây chính là quyển sách gối đầu giường nên đọc. 

Nghệ thuật bài trí của người Nhật hoàn toàn khác với những tác phẩm đi trước, không dẫn dắt người đọc với những lời khuyên “dọn dẹp mỗi ngày một ít“, hoặc “cách ngày bỏ bớt một món đồ“, hay chia sẻ bí kíp chọn mua “những công cụ cất giữ sắp xếp đồ đạc thần kỳ”. Thay vì vậy, nữ tác giả Marie Kondo tập trung giải quyết hai vấn đề chính của việc dọn dẹp: chọn những vật mà bạn thật sự nên giữ lại, và sắp xếp chúng theo cách hợp lý nhất phù hợp với không gian sẵn có và lối sống sinh hoạt của bạn. Nghe có vẻ cực kỳ đơn giản, đừng trông đợi một chữ “nhưng” nào nhé, vì sẽ không có đâu: nó thật sự đơn giản như vậy đấy. 

Bạn sẽ nhận ra chính mình ngay những trang đầu tiên của quyển sách, cùng câu trả lời cho những thắc mắc đầu bài viết này – tại sao bạn không thể giữ nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Phần thứ hai, cốt lõi của “phương pháp Konmari” hướng dẫn bạn cách “từ bỏ”, hay chính xác hơn, là lựa chọn. Bạn sẽ học được cách đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc của bản thân khi cân nhắc giữ lại một quyển sách hay chiếc áo nào đó. Câu hỏi, “cái này có mang lại niềm vui không?” sẽ là vũ khí bí mật giúp bạn thực hiện quá trình này, hãy bắt đầu luyện tập thường xuyên nhé. 

Phần thứ ba là những chia sẻ về việc phân loại. Đáng giá nhất trong phần này là thứ tự phân loại mà tác giả đề nghị, “hãy bắt đầu với trang phục, sau đó tới sách vở, tài liệu, đồ tạp loại, và những thứ có giá trị tinh thần”. Không hề tuỳ hứng một chút nào, vì theo Marie Kondo, những vật như trang phục dễ đánh giá hơn so với những thứ có giá trị tinh thần, và khi tuân thủ thứ tự này, bạn sẽ tích luỹ kinh nghiệm và cải thiện kỹ năng ra quyết định, để dần dần, mọi chuyện trở nên đơn giản. Phần này cũng mang lại cho bạn những mẹo rất hay, ví dụ như cách gấp và cất giữ quần áo “hướng lên bên phải” (không hề dễ đâu nhé), hay bí kíp xử lý bít tất. Những giải thích về cách phân loại cũng như lựa chọn sách vở, tài liệu, đồ tạp loại, v…v… cực kỳ thuyết phục – bạn sẽ bất ngờ khi những chiếc hộp đựng giày lại hữu dụng hơn nhiều so với những dụng cụ chuyên dụng được quảng cáo phô trương, hay gật gù nhận ra có những quyển sách bạn mua mà không bao giờ động vào dù luôn tự hứa là sẽ đọc. Tương tự, “nghĩ ra vị trí riêng biệt cho mỗi loại đồ vật” sẽ đặt dấu chấm hết cho việc đồ đạc vứt lung tung, lúc chỗ này khi chỗ khác.

Tác giả dành những trang cuối cùng để trình bày về những ảnh hưởng và tác dụng của việc dọn dẹp, “khiến cuộc sống biến chuyển diệu kỳ”. Đây có thể không phải lý do bạn bắt đầu đọc quyển sách này, bạn đơn giản chỉ muốn nhà cửa gọn gàng! Nhưng nếu bạn tò mò muốn biết tại sao những điều diệu kỳ sẽ xuất hiện, thì phải đọc sách thôi (mà mỗi người lại có một định nghĩa khác nhau về “diệu kỳ” nhỉ?). Mà cũng đúng, “nhà sạch thì mát”. Khi nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, dĩ nhiên trong lòng sẽ thoải mái vui vẻ, nếu việc này chưa là điều kiện tiên quyết của một cuộc sống hạnh phúc, thì điều gì mới phải đây? 

“Phương pháp Konmari” đã trở nên phổ biến khắp nước Nhật, nhưng tác giả Marie Kondo không phải là một nhà văn: bà kiếm sống bằng nghề hướng dẫn và tư vấn cách dọn dẹp nhà cửa hay văn phòng làm việc. Với số khách hàng lên đến hàng ngàn, bà có vô số câu chuyện để kể và kinh nghiệm thực tế để chia sẻ, và dĩ nhiên những kiến thức kinh nghiệm trình bày trong quyển sách nằm trong số đó! Nhưng điều mình thích nhất sau khi đọc xong không phải là những mẹo hay bí kíp về cách thức dọn dẹp, mà chính là việc phương pháp này đã giúp thay đổi tư duy và đánh thức những cảm xúc mà chúng ta thường hay bỏ quên hay xem nhẹ.

Về điểm trừ, do tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp kể chuyện để dẫn vào từng tiểu mục, và một số câu chuyện lại có phần cá nhân hoặc không được nhất quán về khía cạnh thời gian, nên có thể gây nhàm chán cho người đọc; tương tự, một vài nội dung bị lặp lại hoặc có phần thái quái. Một “fun fact” là, trên Goodreads, có khá nhiều bình luận mỉa mai về việc họ có nên giữ lại quyển sách này sau khi đọc xong (ý nhắc đến câu hỏi “vật này có mang lại niềm vui không?”). Rõ ràng, phương pháp này cũng không được chào đón bởi tất cả độc giả.

Nhưng trên hết, nếu bạn thật sự quan tâm đến việc giữ nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, thì quyển sách này là một lựa chọn không tồi – xin tạm dẫn số liệu từ Goodreads, Nghệ thuật bài trí của người Nhật (tên nguyên bản trong tiếng Anh là The life-changing magic of Tidying up) nhận được điểm 3.83/5.0 cho tổng số 224.985 lượt bình chọn, với 64% lượt bình chọn 4 và 5 sao (tính đến ngày 18/8/2019). 

Tải ebook miễn phí

Thích đọc sách vật lý hơn? (giảm giá 19%)

1 bình luận về “Nghệ thuật bài trí của người Nhật”

Viết một bình luận